Doanh nhân Việt nỗ lực vượt khó
Tại nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của một doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10).
Cùng với các chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, các doanh nhân cũng cho rằng Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích đầu tư đột phá nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Ông Phạm Văn Việt (chủ tịch HĐQT Việt Thắng Jeans):
Nỗ lực vượt qua khủng hoảng
Ông Phạm Văn Việt
Trong 4 năm qua, các doanh nhân trải qua liên tiếp những cuộc khủng hoảng, bắt đầu từ COVID-19, kế đến là suy giảm sức mua, đứt đoạn dòng tiền, khủng hoảng kinh tế và những hệ lụy của xung đột vũ trang trên thế giới…
Tuy nhiên, chưa bao giờ chúng tôi dừng lại mà luôn nỗ lực để giữ cho nhà máy vẫn sản xuất, nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, không có đơn hàng lớn thì tìm đơn hàng nhỏ, không có sản phẩm lợi thế thì thích ứng để nhận những đơn hàng thời vụ… miễn duy trì công việc.
Tới bây giờ, có thể nói ngành dệt may nói chung và doanh nghiệp của tôi nói riêng đã dần phục hồi đơn hàng.
Đến hết quý 3, ngành dệt may đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 28 tỉ USD và mục tiêu về đích 44 tỉ USD rất khả thi.
Đối diện những thách thức mới, nhất là các rào cản xanh khi xuất khẩu vào EU, ngành dệt may đã chủ động thay đổi công nghệ, giảm phát thải, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh bắt buộc.
Ở một số quốc gia phát triển, đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP thậm chí chiếm đến 87%, trong khi ở Việt Nam chỉ ở mức khoảng 45%.
Do đó, chúng tôi mong muốn có những cơ chế thông thoáng, hỗ trợ nhiều hơn nữa để kinh tế tư nhân đóng góp nhiều hơn nữa vào quy mô nền kinh tế đất nước, làm giàu cho quốc gia.
Ông Lê Văn Kiểm (chủ tịch Tập đoàn KN Holdings):
Mong đơn giản hóa thủ tục hành chính
Ông Lê Văn Kiểm
Chúng tôi kỳ vọng rằng cùng với sự ủng hộ từ Chính phủ, ngày càng nhiều sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu “made in Vietnam” vươn ra thị trường quốc tế.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển khu công nghiệp thế hệ mới có quy mô cạnh tranh trên phạm vi khu vực.
Chúng tôi cũng mong rằng Nhà nước sớm ban hành những chính sách mới nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư và đất đai đối với phát triển hạ tầng khu công nghiệp.
Đặc biệt, cần có những chính sách khuyến khích đầu tư đột phá, nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Về lĩnh vực năng lượng, chúng tôi mong muốn các dự án năng lượng tái tạo đã có chủ trương đầu tư, đảm bảo tính khả thi được triển khai nhanh, thực hiện theo hình thức mua bán điện trực tiếp và ít sử dụng đất như các dự án điện mặt trời nổi được ưu tiên triển khai.
Điều này không chỉ góp phần gia tăng nguồn năng lượng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế trong tương lai, mà còn thu hút các tập đoàn lớn mong muốn sử dụng năng lượng sạch để đạt được chứng nhận xanh cho sản phẩm của họ.
Ông Lê Hữu Nghĩa (tổng giám đốc Công ty Lê Thành):
Mong dứt tình trạng sợ trách nhiệm
Ông Lê Hữu Nghĩa
Những gì mà doanh nghiệp đã tích lũy bao năm nay đã dùng hết trong thời COVID-19 và những năm qua.
Doanh nghiệp kỳ vọng nền kinh tế như lò xo bị nén lại, sau đó sẽ bung và phát triển nhưng không ngờ sau dịch bệnh là lạm phát trên thế giới, chiến tranh rồi sau đó thị trường bất động sản đóng băng, khiến mọi doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng.
Thực tế còn rất nhiều doanh nghiệp không hoạt động nhưng chưa làm các thủ tục đóng cửa, giải thể nên có thể con số doanh nghiệp “chết lâm sàng” nhiều hơn số đã thống kê.
Với các doanh nghiệp lớn, khi đóng cửa sẽ khiến nhiều người mất thu nhập, thất nghiệp, tạo gánh nặng cho xã hội.
Còn doanh nghiệp mới thành lập cần thời gian dài để phát triển, chưa tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động và sức chống chịu cũng còn yếu.
Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Đầu tiên về mặt thủ tục, luật vướng là một phần, nhưng vướng ở khâu con người thực thi chính sách là điều cần khơi thông.
Thời gian qua cán bộ lo ngại, sợ sai khiến nhiều doanh nhân gặp khó. Cho nên, bên cạnh nỗ lực vượt khó của doanh nhân, chúng tôi cũng mong muốn nhìn thấy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm của đội ngũ thực thi công vụ để hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Đăng An (phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group):
Cần chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh
Ông Phạm Đăng An
Kinh tế xanh, phát triển bền vững và chuyển dịch năng lượng đang tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là ngành năng lượng.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng đối với ngành năng lượng cao vào tốp đầu thế giới, nhưng không phải doanh nghiệp Việt nào cũng được đồng hành với sự phát triển đó.
Các dự án điện gió, điện mặt trời đều dùng thiết bị nước ngoài, thậm chí có những dự án nhà thầu xây lắp cũng là nước ngoài.
Hàng chục tỉ USD đã được dùng chỉ để mua sắm thiết bị, máy móc trong khi nếu có sự chuẩn bị, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng này.
Do đó, cần có tầm nhìn dài hạn trong xây dựng chính sách để việc phát triển hạ tầng năng lượng phải song hành với sự phát triển doanh nghiệp, doanh nhân Việt, đừng để doanh nghiệp Việt lép vế ngay trên sân nhà.
Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất có thể phát triển bền vững và cạnh tranh quốc tế, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp khi doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi kép, tức kết hợp giữa chuyển đổi xanh và chuyển đổi số theo các tiêu chuẩn quốc tế được công nhận.
Sự chuyển đổi này không chỉ mang lại lợi thế cạnh tranh mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững, thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):