Chuyện của những ‘bà đỡ’ doanh nhân đưa nông sản ra nước ngoài
Nhiều doanh nhân Việt đầu tư lớn, nỗ lực đưa nông sản đất nước ra thế giới – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nói đến nâng cao chất lượng nông sản, ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp chia sẻ họ phải tỉ mỉ mọi khâu, từ kiểm kê tất cả quy trình sản xuất chế biến đến chăm sóc khách hàng, mở rộng thị trường.
Thậm chí có doanh nghiệp “đứng trên vai người khổng lồ” đầu tư bài bản công nghệ cho chuỗi vận hành để tạo ra sự khác biệt…
Mang lợi nhuận cho nhiều bên…
Nhiều doanh nghiệp trực tiếp kết nối, bắt tay làm để tăng hiệu quả; có người “bê” mô hình công nghệ sản xuất nước ngoài để nâng chất lượng, đẩy cao giá bán đầu ra; quay lại nâng giá thu mua nông sản đầu vào…
Một minh chứng ở Công ty GC Food (Đồng Nai) – đây là doanh nghiệp chế biến nha đam, thạch dừa lớn nhất Việt Nam và đã vươn ra hơn 20 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, giám đốc Công ty GC Food, có được tươi sáng như ngày nay vì vượt qua được nhiều giai đoạn… không tươi sáng.
“Từ ngày đầu bán nha đam Việt Nam sang Hàn Quốc, khi đó như một đứa trẻ ra đời va chạm với xã hội, tức là công ty gặp rất nhiều đối thủ cạnh tranh có thế mạnh, tiềm lực hơn. Tôi đã tự nhủ, muốn hơn thì phải làm tốt từ tất cả các khâu.
Chỉ có gắn với lợi nhuận từng khâu thì mới duy trì được chất lượng nông sản. Ấn tượng tôi nhớ mãi, có nhóm khách hàng Trung Đông tìm mua nha đam chỉ vì nghe tiếng thơm của nha đam Việt Nam”, ông Thứ nói.
Nhớ lại không ít lần có nông dân “xù” hàng và quá nhiều lần quy trình chế biến gặp sự cố, gián đoạn đơn hàng, đàm phán không suôn sẻ… nên “chăm sóc” từng mắt xích liên kết, để có chất lượng nông sản tốt là phương pháp mấu chốt để nha đam Việt Nam chế biến có mặt trên thế giới.
“Mình phải nắm chặt sự kết nối từ nông dân, nguồn nguyên liệu, khâu sản xuất đến người tiêu dùng. Khi có sản phẩm tốt, bán ra với giá thành cao, khi đó doanh nghiệp quay lại thu mua với giá cao hơn ngày trước. Giá cao, nông dân mới “ham” làm nông nghiệp, chất lượng nông sản cứ lũy tiến dần”, ông Thứ nói.
Từng là sản phẩm nhỏ lẻ, giá cả bấp bênh, thậm chí có lúc “đỏ mắt” tìm nơi thu mua, hiện nay bà con nông dân ở Ninh Thuận trồng nha đam với chuỗi khép kín, có nơi lợi nhuận trung bình 300 triệu đồng/ha.
Có tiếng trong chuyện đưa hạt tiêu Việt Nam xuất khẩu khi chiếm đến hơn 15% thị phần tại thị trường châu Âu chỉ trong 9 tháng năm nay, nhưng ông Phan Minh Thông, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh, cũng được biết đến là doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê, hiện mang về rất nhiều “trái ngọt”.
Trong rất nhiều câu chuyện để tự hào, ông Thông tự hào nhất khi mang lại niềm vui cho người trồng cà phê ở Sơn La. Đó là Phúc Sinh mua cà phê với giá cao hơn so với những vùng nguyên liệu khác, vì giá bán cà phê Arabica ở Sơn La xuất sang Mỹ với giá rất cao.
“Máy móc tôi nhập khẩu từ Colombia, đi đường biển về Hải Phòng để xây một nhà máy chế biến bài bản giống như nước ngoài. Nguồn lực từ Colombia với máy móc và chuyên gia hàng đầu… đã giúp đầu ra sản phẩm cà phê với chất lượng cao hơn, bán được giá hơn.
Năm nay nhà máy ở Sơn La có 8.000 tấn cà phê, 400 container bán sạch không còn một hạt nào. Thương hiệu cà phê Phúc Sinh Blue Sơn La hiện khách hàng rất yêu thích, truyền tai nhau lan khắp châu Âu, Trung Đông”, ông Thông tự tin.
Ông Thông quan niệm: “Không có lý do gì mà không mua cà phê cho bà con giá cao, để họ làm cho mình sản phẩm tốt. Vì tôi đã có những vị khách khổng lồ rồi. Chỉ cần nông sản tốt và duy trì bền vững thì ngoại tệ ở trong tay. Chưa kể tạo ra công ăn việc làm cho nhân viên, công nhân và nông dân vùng trồng… Lợi nhuận hài hòa, cùng nhau “win – win” (đôi bên cùng thắng, cùng có lợi – PV) sẽ đi lâu, đi xa hơn nữa”.
Chuẩn bị đưa nông sản xuất khẩu ra nước ngoài – Ảnh: Q.ĐỊNH
“Gánh” trên vai trách nhiệm thúc đẩy nền kinh tế phát triển
Khi nông sản vươn ra thị trường quốc tế, nhiều doanh nhân quan niệm kinh doanh không còn là câu chuyện cá nhân của từng doanh nghiệp, mà còn “gánh” trên vai trách nhiệm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, theo xu hướng mới: gắn với môi trường, xã hội. Có như thế, doanh nghiệp mới phát triển bền vững.
Theo ông Thông, thành công trên thị trường quốc tế, khi xây được chất lượng cho nông sản Việt, sẽ tỉ lệ thuận với việc mang lại giá trị để thúc đẩy kinh tế đi lên.
Năm 2024 Phúc Sinh tự tin thu về hơn 190 triệu USD trong xuất khẩu tiêu, cà phê; vì qua 9 tháng đã mang về hơn 145 triệu USD.
“Khi có nông sản chất lượng cao, doanh nghiệp không ngừng tìm và bắt tay với các công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới sẽ không khó. Kết quả rất rõ ràng khi chúng tôi hoàn thiện được chìa khóa phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
Từ đó nhiều doanh nghiệp quốc tế đăng ký làm với Phúc Sinh; nhiều tổ chức tài chính quốc tế rót vốn, thậm chí có những khoản tài trợ không hoàn lại. Tiền sẽ đẻ ra tiền, nâng tầm kinh doanh để đóng góp cho nền kinh tế”, ông Thông nói.
Tuy nhiên theo ông Thông, mang giá trị kinh tế, trong xu hướng kinh doanh bền vững, gắn với môi trường xã hội, bảo vệ nguồn sinh thái, rừng… là hướng phát triển mà cộng đồng doanh nghiệp Việt xuất khẩu nông sản không thể tách rời.
Với quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, đẩy mạnh kinh tế ngành hàng theo hướng phát triển thương hiệu quốc gia, là câu chuyện những năm gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã “ý thức” rất tốt.
Ông Phạm Thanh Trung, một chủ nhà máy gạo ở tỉnh An Giang, nhìn nhận nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo trên thế giới, hiện đã có nền tảng kinh doanh bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Kết quả, năm nay gạo Việt Nam xuất khẩu mang về hơn 5 tỉ USD, kỷ lục từ trước đến nay.
“Chúng ta đã tạo tiếng tăm tốt về sản phẩm gạo thơm Việt Nam chất lượng nhất nhì. Kéo theo giá gạo có thời điểm đứng nhất thế giới.
Tôi cũng là một doanh nghiệp, từ việc mang lợi cho mình, cũng không quên trách nhiệm đóng góp cho nền kinh tế thông qua hoạt động kinh doanh của mình. Mở rộng thị trường, đa dạng nhiều phân khúc sản phẩm, chăm sóc khách hàng quốc tế… để việc kinh doanh bề thế hơn”, ông Trung nói.
Xuất khẩu nông sản lập kỳ tích hơn 46 tỉ USD sau 9 tháng
Ông Phùng Đức Tiến – thứ trưởng Bộ NN&PTNT – thông tin mặc dù kinh tế còn khó khăn, xuất khẩu nông sản trong 9 tháng năm 2024 được xem là điểm sáng khi mang về hơn 46 tỉ USD, tăng 21%.
Mới đây, ông Tiến đưa ra dự báo: “Năm 2024, lĩnh vực nông sản xuất khẩu có thể đạt 61 tỉ USD, con số cao nhất từ trước tới nay”.
Bộ NN&PTNT cho biết đang phối hợp cùng Bộ Công Thương, các đại sứ quán… tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác nhập khẩu; tháo gỡ rào cản của các nước đặt ra và gia tăng xuất khẩu chính ngạch nhằm giảm rủi ro.
Nông sản Việt: Xuất khẩu mạnh, thương hiệu vẫn yếu
Tin tức kinh doanh – Tổng hợp tin tức kinh doanh