Xuất khẩu băng băng về đích
Sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc hứa hẹn tăng thêm kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam – Ảnh: NGUYỄN TRUNG
Từ gạo lập kỳ tích 5 tỉ USD, cà phê xấp xỉ 6 tỉ USD đến dệt may tự tin cán đích 44 tỉ USD, các ngành hàng chủ lực đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Sầu riêng, bưởi, dừa… không kịp bán
Ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024, với nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh vượt trội. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy nông sản Việt đang ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Công ty Vina T&T, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây hàng đầu của Việt Nam, đã ghi nhận mức tăng trưởng gần 30% trong chín tháng đầu năm. Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc công ty, cho biết: “Xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như sầu riêng, bưởi và dừa sang các thị trường quốc tế, đặc biệt là EU, đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Ông Tùng nhấn mạnh rằng nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường quốc tế là động lực chính cho sự tăng trưởng này. Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ vượt 20 – 25% so với kế hoạch đầu năm trong quý cuối cùng của 2024.
Không chỉ Vina T&T, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành cũng đang ghi nhận kết quả tích cực. Công ty TNHH Huy Long An, chuyên về xuất khẩu chuối, đã đạt mức tăng trưởng 15% trong chín tháng, nâng tổng sản lượng xuất khẩu lên 25.000 tấn. Ông Võ Quan Huy, giám đốc công ty, chia sẻ: “Chuối Việt Nam đang được ưa chuộng tại các thị trường khó tính như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhờ chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh”.
Đáng chú ý, xu hướng tích cực này không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp lớn. Công ty Vinagreenco, vốn chỉ tập trung vào thị trường nội địa, cũng đang nhận được nhiều đơn
đặt hàng từ các đơn vị xuất khẩu. Ông Nguyễn Ngọc Hiển, giám đốc công ty, nhận định: “Nhu cầu từ thị trường quốc tế đang rất mạnh, tạo cơ hội cho chúng tôi mở rộng sang lĩnh vực xuất khẩu”.
Với những tín hiệu tích cực này, ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ông Tùng nói: “Thuận lợi tiếp tục rơi vào ba tháng cuối năm, vì có nhiều mặt hàng mới mở. Chẳng hạn dừa và sầu riêng cấp đông vào thị trường Trung Quốc; dừa tươi và bưởi cũng xuất sang Mỹ nhiều hơn. Nhìn chung sầu riêng, bưởi, dừa… xuất không kịp bán. Tôi nghĩ nhiều doanh nghiệp rau quả cuối năm nay có tăng trưởng xuất khẩu duy trì ở mức hai con số vì tín hiệu thị trường đang khá thuận lợi”.
Tiêu Việt Nam xuất khẩu ghi được nhiều dấu ấn tại các thị trường châu Âu và cũng nằm trong top những mặt hàng nông sản chủ lực chín tháng 2024 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Gạo, cà phê đạt kỷ lục
Thị trường gạo xuất khẩu đang chứng kiến một năm bứt phá ngoạn mục khi giá gạo liên tục thiết lập đỉnh cao mới, mở ra triển vọng đạt mốc 5 tỉ USD trong năm 2024.
Theo ghi nhận từ các doanh nghiệp xuất khẩu, giá gạo đang ở mức cao nhất trong vòng ba tháng qua. Cụ thể, gạo 5% tấm hiện được giao dịch ở mức 579 USD/tấn, tăng 9 USD so với tuần trước. Gạo 25% tấm đạt 547 USD/tấn, trong khi gạo 100% tấm ở mức 440 USD/tấn.
“Nhu cầu gạo thế giới với gạo Việt luôn rất lớn và ba tháng cuối năm sẽ có triển vọng tươi sáng”, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu nhận định. Theo vị này, các đơn hàng tháng 11 và tháng 12 cho đối tác Philippines và Trung Quốc đã được lên kế hoạch, chỉ chờ ngày xuất khẩu, với cả khối lượng và giá trị đều khả quan hơn.
Đáng chú ý, ngoài các thị trường truyền thống, gạo Việt Nam đang ghi dấu ấn tại nhiều thị trường mới đầy tiềm năng như Trung Đông, châu Phi, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nam Mỹ. Sự đa dạng hóa thị trường này góp phần quan trọng vào mục tiêu xuất khẩu của ngành.
Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành hàng dự báo xuất khẩu gạo năm 2024 có thể đạt mốc khoảng 8 triệu tấn, mang về kim ngạch hơn 5 tỉ USD – một kỷ lục mới của ngành trồng trọt Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận định: “Chuỗi giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam đã được xây dựng rất bài bản và gắn kết chặt chẽ với thị trường quốc tế. Điều này giúp chúng ta ít bị ảnh hưởng bởi những biến động như việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng”.
Tương tự, xuất khẩu cà phê 2024 có thể lên tới gần 6 tỉ USD, mức cao nhất trong lịch sử. Theo ông Nguyễn Nam Hải – chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), thông tin giá trị xuất khẩu cà phê chín tháng năm 2024 đã lên tới 4,37 tỉ USD, vượt con số hơn 4,24 tỉ USD của cả năm 2023.
“Vì thế, có thể tự tin cả năm 2024 xuất khẩu cà phê sẽ đạt mốc 5 tỉ USD, thậm chí là 5,5 tỉ USD. Đây là mốc kỷ lục mới, cao nhất từ trước tới nay về giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Năm nay, giá cà phê tăng rất cao, vì nhu cầu sử dụng hạt cà phê Robusta trên thế giới đang tăng mạnh, trong khi nguồn cung lại giảm khiến giá cà phê này liên tục tăng mạnh”, ông Hải cho biết.
Nguồn: Bộ NN&PTNT – Số liệu: THẢO THƯƠNG
Xuất nhập khẩu có thể đạt 800 tỉ USD
Theo các chuyên gia, bên cạnh nhu cầu nhiều thị trường lớn phục hồi, việc tận dụng lợi thế từ các thị trường mà Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng giúp cho xuất khẩu khởi sắc.
Theo bà Phạm Quỳnh Mai – phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), tăng trưởng đến các thị trường FTA của Việt Nam những năm qua đều duy trì hai con số với kim ngạch ấn tượng. Đặc biệt khi Việt Nam ký kết và thực thi ba FTA thế hệ mới là EVFTA, CPTPP, UKVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với trụ cột xuất khẩu đã trở thành một trong ba động lực tăng trưởng truyền thống. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu chín tháng đạt 299,63 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bức tranh xuất khẩu hàng hóa trong chín tháng đầu năm có sắc màu tươi mới được lý giải là do tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước đạt 20,7%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 13,4% của khu vực FDI.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu bình quân những tháng sau cao hơn những tháng trước. Bình quân một tháng trong chín tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu đạt 33,29 tỉ USD, cao hơn 1,52 tỉ USD so với bình quân một tháng trong sáu tháng đầu năm. Nếu duy trì được mức xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước trong quý 4-2024 thì tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 ước lập mốc lịch sử khoảng 400 tỉ USD, vượt mốc 371,82 tỉ USD của năm 2022. Kết quả này giúp Việt Nam duy trì mức xuất siêu 20,79 tỉ USD, giảm 0,53% so với mức xuất siêu 20,9 tỉ USD của cùng kỳ năm 2023.
Thủy sản kỳ vọng 3 tháng cuối năm
Theo ông Trương Đình Hòe – tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kỳ vọng tôm, cua, cá, mực… xuất khẩu sẽ mang về 10 tỉ USD trong năm 2024 vì chín tháng đầu năm đã mang về xấp xỉ 7 tỉ USD. Đặc thù của ngành hàng là doanh thu tăng trong các tháng cuối năm với các dịp lễ lớn hoặc tăng mua để dồn kho cho năm sau…
Tin tức kinh doanh – Tổng hợp tin tức kinh doanh