Tin tức sáng 9-10: Công đoàn vẫn giữ đề xuất mức phí 2%, vì sao?
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang động viên, tặng quà công nhân môi trường ở Hà Nội – Ảnh: HÀ QUÂN
Công đoàn Việt Nam vẫn giữ đề xuất mức phí 2%, vì sao?
Theo ông Ngọ Duy Hiểu – phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, dự án Luật Công đoàn sửa đổi vẫn kế thừa, giữ nguyên đối tượng nộp, mức đóng kinh phí công đoàn 2%. Dự án đang được chỉnh lý, hoàn thiện, trình Quốc hội chuẩn bị xem xét, thông qua.
Qua tổng kết thực hiện Luật Công đoàn 2012, việc giữ kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thực hiện từ năm 1957 đến nay. Về kinh nghiệm quốc tế, Trung Quốc duy trì mức đóng 2% được quy định tại Luật Công đoàn của nước này.
Tổ chức công đoàn cũng nhận ý kiến của một bộ phận doanh nghiệp về giảm mức đóng kinh phí công đoàn song qua tính toán, nguồn lực bảo đảm chăm lo phúc lợi cho người lao động bị ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng đến thu hút, tập hợp lao động vào công đoàn.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Qua khảo sát của Tổng liên đoàn, với mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khoảng 5,7 triệu đồng/tháng, mỗi năm, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn khoảng 1,4 triệu đồng.
Khi đó, 75% số kinh phí công đoàn đã đóng này (khoảng 1 triệu đồng) sẽ được phân phối cho công đoàn cơ sở để thăm hỏi ốm đau, quà sinh nhật, quà Tết… cho đoàn viên, người lao động.
Ông Hiểu cho rằng kinh phí công đoàn cũng được tính vào chi phí của doanh nghiệp, được hạch toán vào giá thành sản phẩm song chiếm tỉ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp (khoảng 0,38%). Về tổng thể, mức đóng kinh phí công đoàn 2% vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được đối với sức chịu đựng của các tổ chức, doanh nghiệp.
Lập hồ sơ phương án ứng phó tình huống khẩn cấp với hồ Dầu Tiếng
Ngày 8-10, Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự – phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tây Ninh do ông Trần Văn Chiến, phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh tại hồ Dầu Tiếng, thuộc địa bàn huyện Dương Minh Châu.
Hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa là hệ thống công trình thủy nông có quy mô lớn nhất nước. Nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn thuộc phạm vi 3 tỉnh gồm Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, hồ Dầu Tiếng là công trình quan trọng đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia.
Hiện hồ Dầu Tiếng đang tiến hành đợt xả lũ với lưu lượng 100m3/s từ ngày 7 đến 17-10 nhằm đảm bảo công trình hồ. Theo ông Trần Quang Hùng – tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Khai thác thủy lợi miền Nam, hiện các hạng mục công trình cơ bản đều đảm bảo an toàn vận hành trong mùa mưa lũ.
Đơn vị cũng đang triển khai các công tác sửa chữa nâng cấp hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng (giai đoạn 2) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Mặt khác, đơn vị cũng bố trí hệ thống thông tin (còi hú tại tràn xả lũ) để cảnh báo cho người dân ở hạ du khi hồ xả lũ.
Sau buổi kiểm tra thực địa, ông Trần Văn Chiến đề nghị các đơn vị không được phép chủ quan, lơ là trong phòng, chống bão lũ, thiên tai, xây dựng kịch bản có những phương án, tình huống, giải pháp khác nhau nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế nếu xảy ra tình huống thiên tai khẩn cấp.
Đồng thời quản lý chặt chẽ các cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, hồ thủy lợi, hệ thống kênh thoát nước, đảm bảo hành lang công trình thủy lợi được an toàn; kịp thời sửa các hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn nhằm đảm bảo an toàn vận hành công trình, vùng hạ du.
Phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu Đình Khao nối Vĩnh Long và Bến Tre
Xây dựng cầu Đình Khao nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại tuyến phà Đình Khao, bảo đảm kết nối với hệ thống quốc lộ và cao tốc, rút ngắn thời gian di chuyển – Ảnh: VGP
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định số 1120 ngày 8-10, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Đình Khao nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre theo phương thức đối tác công tư.
Mục tiêu dự án nhằm hoàn thiện và nâng cao năng lực khai thác cho quốc lộ 57, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại tuyến phà Đình Khao, bảo đảm kết nối với hệ thống quốc lộ và cao tốc, rút ngắn thời gian di chuyển giữa Vĩnh Long và Bến Tre với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường sự liên kết vùng giữa các tỉnh.
Dự án được thực hiện từ năm 2024 – 2028 ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long và huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre với điểm đầu: Giao với ĐT.902 tại xã Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long; tiếp giáp dự án tuyến tránh quốc lộ 57 (đường dẫn cầu Đình Khao) tại Km0+00. Điểm cuối: Giao với quốc lộ 57 khoảng Km11+270, thuộc địa phận xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Chiều dài dự án khoảng 4,3km; đầu tư theo quy mô đường cấp III, đồng bằng, vận tốc thiết kế tối đa 80km/h; riêng cầu Đình Khao vượt sông Cổ Chiên dài 1,54km, 4 làn xe. Tổng mức vốn đầu tư bao gồm cả lãi vay khoảng 2.971 tỉ đồng.
Trong đó, vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 1.519 tỉ đồng (chiếm 51,1%) và vốn Nhà nước tham gia dự án khoảng 1.452 tỉ đồng (chiếm 48,9%).
Tin tức đáng chú ý trên Tuổi Trẻ nhật báo ngày 9-10. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY
Tin tức thời tiết hôm nay 9-10 – Đồ họa: NGỌC THÀNH