Nhiều quầy hàng dọc biển Đà Nẵng chưa hoàn trả mặt bằng theo quy định
Một số quầy kinh doanh ẩm thực tại khu vực công viên Biển Đông và phía Nam nhà hàng Mỹ Hạnh (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) vẫn hoạt động – Ảnh: THANH NGUYÊN
Bàn giao mặt bằng để tổ chức đấu giá
Theo đó, TP Đà Nẵng vừa có văn bản chấm dứt hoạt động thí điểm kinh doanh 10 quầy ẩm thực, hàng lưu niệm tại khu vực công viên Biển Đông và phía Nam nhà hàng Mỹ Hạnh (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà).
Đồng thời, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân đang kinh doanh tại các quầy hàng trên bàn giao mặt bằng chậm nhất trước ngày 30-9-2024 để tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật.
Đại diện Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết đến nay đã có 3 quầy hàng đồng ý dừng kinh doanh, 7 quầy vẫn chưa đồng ý. Hiện một số quầy hàng vẫn mở cửa hoạt động, một số khác đã đóng cửa nhưng chưa đồng ý hoàn trả mặt bằng.
Hiện ban quản lý đã sử dụng loa phát thanh và đặt bảng thông báo trước các quầy hàng, vận động các hộ kinh doanh ngừng hoạt động mua bán, hoàn trả mặt bằng.
Trước đó, năm 2012, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý chủ trương triển khai thí điểm các quầy dịch vụ ẩm thực, hàng lưu niệm tại các bãi biển du lịch nhằm quảng bá du lịch thành phố, cũng như phát triển các điểm du lịch bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Theo chủ trương trên, các doanh nghiệp, cá nhân được tự thiết kế, đầu tư, lắp dựng, kinh doanh thí điểm 10 quầy ẩm thực, hàng lưu niệm. Đồng thời được miễn phí cho thuê mặt bằng kinh doanh (mỗi quầy 75m2), do thời điểm đó chưa có quy định pháp luật về khai thác, sử dụng tài sản công tại khu vực bãi biển.
Tính đến nay, các hộ kinh doanh đã được miễn phí sử dụng mặt bằng khoảng 12 năm (từ tháng 3-2012 đến tháng 9-2024).
Đến nay đã có 3 quầy hàng đồng ý dừng kinh doanh, 7 quầy vẫn chưa đồng ý – Ảnh: THANH NGUYÊN
Nhiều quầy hàng chưa đồng ý bàn giao mặt bằng
Theo chia sẻ của một chủ hộ quầy hàng, trong khoảng 12 năm kinh doanh, nhiều tiểu thương đã tự đầu tư, xây dựng, sửa chữa các quầy hàng với chi phí lớn. Để có được thành quả như hôm nay, các hộ kinh doanh này đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt trong thời gian đầu hoạt động và khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
“Tôi mong các hộ kinh doanh sẽ được tiếp tục hoạt động và sẵn sàng đóng phí hằng năm. Với 12 năm cố gắng xây dựng, thu hút khách du lịch, đến nay bước đầu gặt hái được thành quả thì phải tháo dỡ quầy hàng, trả mặt bằng khiến tôi rất xót xa”, đại diện quầy kinh doanh này chia sẻ.
Trả lời báo chí cách đây 1 năm, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cũng đã thừa nhận sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch biển Đà Nẵng.
Theo ban quản lý, trong hơn 1 năm qua, các hộ kinh doanh đã nhiều lần kiến nghị các phương án với mong muốn dời thời gian bàn giao. Ban quản lý đã kiến nghị thành phố cho dời thời hạn để các hộ thu xếp.
Đến nay, để đảm bảo quản lý, sử dụng tài sản công đúng quy định, tránh thất thoát, lãng phí, TP Đà Nẵng có văn bản chấm dứt hoạt động thí điểm, yêu cầu các hộ bàn giao mặt bằng trước ngày 30-9 để tổ chức đấu giá.
Theo ban quản lý, một số người đã đóng cửa nhưng chưa đồng ý hoàn trả mặt bằng – Ảnh: THANH NGUYÊN
Theo ban quản lý, trước đó các hộ đã ký cam kết có nội dung: “Tự tháo dỡ quầy và bàn giao mặt bằng cho ban quản lý trong 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, nếu UBND TP Đà Nẵng có văn bản thu hồi mặt bằng hoặc di chuyển đến vị trí khác”.
“Trong thời gian tới, ban quản lý sẽ tiếp tục phối hợp cùng địa phương vận động, yêu cầu các đơn vị này dừng kinh doanh, bàn giao mặt bằng để tổ chức đấu giá cho thuê mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật”, đại diện Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết.
Trường hợp các doanh nghiệp, cá nhân còn lại vẫn không chấp hành chủ trương, ban quản lý sẽ báo cáo Sở Du lịch, UBND thành phố để cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện cưỡng chế tháo dỡ các quầy hàng theo quy định.
Ngoài ra, việc một quầy hàng tự ý đặt bảng thông báo “quầy hoạt động bình thường” cạnh biển báo “tạm dừng hoạt động” do ban quản lý bố trí đã được nhắc nhở. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, ban quản lý sẽ có phương án cưỡng chế, tịch thu.
Quầy hàng tự ý đặt bảng thông báo “quầy hoạt động bình thường” cạnh biển báo “tạm dừng hoạt động” – Ảnh: THANH NGUYÊN