Chứng khoán Việt bị định giá thấp nhất 10 năm, 'cực kỳ vô lý'?
Bà Nguyễn Hoài Thu chia sẻ trong khuôn khổ hội nghị nhà đầu tư năm 2024 diễn ra vào hôm 8-10.
Từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index liên tục chênh vênh, có hơn 5 lần nỗ lực vượt ngưỡng 1.300 điểm nhưng đều bất thành.
Diễn biến này cũng thách thức lòng kiên nhẫn của không ít nhà đầu tư. Hiện tại VN-Index đang neo ở mốc 1.271,98 điểm.
Định giá cổ phiếu thấp, nhưng chất lượng lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện rõ rệt
Chia sẻ góc nhìn về thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Nguyễn Hoài Thu – Tổng giám đốc Điều hành khối Đầu tư Chứng khoán – VinaCapital, dẫn ra nhiều dữ liệu đáng chú ý.
Theo đó, mặt bằng định giá P/E (giá thị trường so với thu nhập) của chứng khoán Việt Nam dự phóng năm 2025 nằm mốc 10x. Cả giá cổ phiếu so với giá trị sổ sách (P/B) cũng rất thấp. “Đây là điều cực kỳ vô lý”, bà Thu nói.
So sánh với các đối thủ trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang thấp nhất. Đồng thời thấp hơn mức trung bình trong một thập kỷ trở lại đây, thấp hơn cả thời kỳ COVID-19.
Đáng chú ý, giữa bối cảnh đó, lợi nhuận cốt lõi của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo tăng vững chắc.
Năm ngoái bị âm 0,2% khi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, nhưng năm 2024 – 2025 – 2026 được dự báo tăng xấp xỉ 11,5%, 23,2% và 20%.
Mức lợi nhuận trên tăng vượt trội, cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Malaysia, bình quân của khối ASEAN, Indonesia.
Nếu như năm ngoái một số nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận âm, thì năm nay tất cả đều tăng từ 12-105% trở lên, bao gồm: khu công nghiệp, hàng không, tiện ích, chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm, dầu khí, ngân hàng, công nghệ, cảng và logistics, chứng khoán, tiêu dùng, vật liệu xây dựng, bất động sản.
Kể cả chất lượng lợi nhuận cũng được cải thiện rõ rệt. Dự báo tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trong năm nay và hai năm tới lần lượt 14%, 15,6% và 16,5%.
Tích cực hơn so với đợt COVID-19 và đợt khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp, trở về giai đoạn trước đại dịch.
So với các thị trường khác ở Châu Á, mức ROE trên của doanh nghiệp Việt khá tốt. Chỉ đứng sau Ấn Độ, cao hơn Đài Loan, Indonesia, Philippines, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia và Nhật Bản.
Song song đó, nợ ròng/vốn chủ sở hữu (của nhóm phi tài chính) ở ngưỡng an toàn và thấp hơn 10 năm trước. Chất lượng tài sản các ngân hàng có phần cải thiện.
Tăng trưởng vĩ mô tích cực, cẩn trọng với các rủi ro tiềm ẩn
Đối với các nhà đầu tư chứng khoán, việc đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô là một trong những điểm quan trọng, từ đó đưa ra chiến lược phù hợp. Chuyên gia đến từ quỹ đầu tư VinaCapital dự báo kinh tế vĩ mô Việt Nam triển vọng tích cực.
Cụ thể, GPD dự báo tăng trưởng 6,5% trong năm nay và năm. Động lực tiếp theo là tỉ giá USD – VND ổn định, không biến động quá 2%/năm. Kiểm soát lạm phát tốt dưới 4% do giá dầu và giá thực phẩm giảm.
Thị trường bất động sản cũng phục hồi dần, giá trị giao dịch tăng 30% so với cùng kỳ trong ba quý đầu năm 2024. Chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất ở mức thấp kỷ lục 5%/năm.
Chưa kể, khách du lịch vào Việt Nam tăng mạnh trong năm năm, nhờ vào lượng khách từ Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc.
Ngoài ra, nhiều chính sách cũng được cải thiện, thúc đẩy tăng trưởng. Điển hình như thông qua Luật các tổ chức tín dụng (tăng tính minh bạch của hệ thống, đồng bộ tốt hơn với Luật kinh doanh bất động sản và Luật đất đai).
Hay việc bỏ yêu cầu ký quỹ 100% trước giao dịch, hướng tới thành lập hệ thống Bù trừ Trung tâm (CCP), cải thiện việc tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy nâng hạn thị trường chứng khoán…
Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 2,6 tỉ USD từ đầu năm đến nay, nhưng đây là xu hướng chung trên toàn thế giới.
Nhà đầu tư ngoại rút ròng ở nhiều thị trường, chuyển về Mỹ khi lãi suất tiền gửi đạt 5,5%/năm, an toàn hơn. Tuy nhiên, về dài hạn khối ngoại vẫn để ý và chờ cơ hội vào lại chứng khoán Việt.
Bên cạnh những điểm thuận lợi, chuyên gia chứng khoán cho biết, nhà đầu tư cũng cần lưu ý thêm một số rủi ro tiềm ẩn từ bên ngoài.
Nổi bật là việc tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại. Trung Quốc xuất khẩu mạnh hàng hóa, mang đi bán rẻ ở thị trường thế giới, khiến Việt Nam gặp áp lực. Đồng thời có rủi ro địa chính trị.
Rủi ro trong nước bao gồm việc tiêu dùng nội địa vẫn yếu, thị trường bất động sản được dự báo hồi phục nhưng vẫn cần quan sát thêm.
Lạm phát cao hơn có thể tác động đến chính sách tiền tệ. Trì hoãn trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể gây thất vọng cho nhà đầu tư.
Theo ghi nhận, giữa lúc thị trường chứng khoán đầy rẫy biến động, bên cạnh nhà đầu tư thua lỗ nặng, vẫn có không ít người lãi đậm, đặc biệt là các “cá mập” vận hành các quỹ mở, đạt lãi tới hơn 34% trong vòng ba quý đầu năm 2024, cao hơn mức tăng của VN-Index.
Tin tức kinh doanh – Tổng hợp tin tức kinh doanh