Đường Nam tiến của các đại gia phía Bắc: Người thành công, kẻ mắc kẹt
Làn sóng đầu tư ồ ạt
Các doanh nghiệp bất động sản phía Bắc ồ ạt thâm nhập thị trường phía Nam cách đây cả chục năm. Khởi đầu có thể nhắc đến là Công ty Sông Đà Thăng Long hay Vinaconex Xuân Mai với sự hiện diện ở nhiều dự án khắp TPHCM. Một thị trường rộng lớn với dân số cả chục triệu người, nền kinh tế năng động, dân nhập cư đông đúc, nhu cầu sở hữu nhà ở cao… là sức hút khó cưỡng của thành phố hoa lệ.
Sau đó, làn sóng “nam tiến” cuốn theo hàng chục tập đoàn, doanh nghiệp lớn phía Bắc tham gia cuộc đua, như Vingroup, Tân Hoàng Minh, Bitexco, T&T Group, Hòa Phát, Hà Đô, Xuân Mai Corp, Geleximco…
Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã ghi dấu ấn ở 3 khu đô thị đáng giá tại TPHCM là Vinhomes Golden River (quận 1), Vinhomes Central Park (Bình Thạnh), Vinhomes Grand Park (TP Thủ Đức). Các dự án này đã được xây dựng và đi vào vận hành.
Quỹ đất của doanh nghiệp còn được nhắc đến tại huyện Củ Chi và Cần Giờ. Trong đó, dự án Cần Giờ với diện tích 2.870ha, vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, đã được TPHCM duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hứa hẹn trở thành khu đô thị du lịch biển tầm cỡ.
Ngoài TPHCM, Vinhomes – thành viên của Tập đoàn Vingroup – cũng được tỉnh Long An chấp thuận làm nhà đầu tư Khu đô thị mới Đức Hòa – Hậu Nghĩa. Quy mô dự án gần 200ha, tổng mức đầu tư hơn 28.000 tỷ đồng, dự kiến thi công từ năm 2025 và vận hành từ năm 2028.
Tập đoàn Bitexco cũng ghi dấu ấn ở thị trường phía Nam với tòa tháp tài chính Bitexco – công trình mang tính biểu tượng của TPHCM gắn liền hình ảnh quốc hoa – búp sen hé nở. Công trình này cao 262m, 68 tầng, từng cao nhất TPHCM trước khi có tòa nhà Landmark 81 của Vingroup được xây dựng.
Cùng với tòa nhà văn phòng – trung tâm thương mại nêu trên, Bitexco cũng xây dựng và hoàn thiện khu đô thị The Manor mặt tiền đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).
Tập đoàn T&T Group gắn liền với tên tuổi bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển) cũng mở rộng việc phát triển dự án ở phía Nam. Tại Long An, tập đoàn phát triển dự án Khu thương mại, biệt thự và chung cấp cao cấp T&T City Millennia quy mô 267ha và vừa khánh thành giai đoạn 1. Tại An Giang, khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại của T&T Group với mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng cũng vừa được hoàn thiện giai đoạn 1.
Ngoài ra, T&T Group còn xây dựng dự án Khu dân cư Phước Thọ tại tỉnh Vĩnh Long, diện tích 11,5ha hay khởi công Khu đô thị mới khóm 5, TP Cà Mau vào cuối năm 2023 vừa qua. Dự án này có quy mô gần 23ha, dự kiến xây dựng hơn 1.300 sản phẩm đa dạng loại hình.
Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp) cũng có mặt tại thị trường hơn 10 triệu dân với dự án Chung cư Bình Trị Đông (quận Tân Bình), khu đô thị Eco Green Sài Gòn (quận 7) hay Khu nhà ở xã hội phường Bửu Long (Đồng Nai).
Tập đoàn Hà Đô cũng phát triển nhiều dự án nhà ở tại TPHCM như Hado Centrosa Garden (quận 10), Chung cư Hà Đô Nguyễn Văn Công (Gò Vấp), Chung cư Hado Green Lane (quận 8) hay Khu đô thị Hà Đô Thới An (quận 12). Hoặc Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long cũng từng khảo sát 2 dự án bất động sản tại Cần Thơ, gồm dự án 88ha ở Cái Răng và dự án 6ha ở Ninh Kiều.
Những công trình dang dở
Bên cạnh thành quả là dự án được hoàn thiện, đi vào sử dụng thì nhiều đại gia phía Bắc cũng lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, gặp khó tại thị trường phía Nam.
Tập đoàn Bitexco dù có dự án trở thành biểu tượng ở TPHCM nhưng cũng có công trình biểu tượng đang “mắc cạn” khó gỡ. Đó là dự án khách sạn 6 sao The Spirit of Saigon trên “đất vàng” đối diện chợ Bến Thành, tọa lạc ở vị trí 4 mặt tiền trung tâm quận 1.
Tại dự án này, công ty thành viên của Bitexco gặp khó trong việc thanh toán trái phiếu và đang trong quá trình bàn giao tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ trả nợ với các trái chủ. Dự án đang được xây dựng dở dang đã bị tạm ngưng thi công trong nhiều tháng qua.
Ngoài ra, Bitexco cũng bị TPHCM thu hồi Khu phức hợp, trung tâm thương mại 6,8ha giới hạn bởi 4 tuyến đường Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh – Trần Đình Xu – Nguyễn Cư Trinh (dự án khu Mả Lạng, quận 1) sau 16 năm không triển khai. Cùng với đó, dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn để nhường khu đất hiện hữu (125 đường Lê Lợi) cho Bitexco làm tổ hợp cao ốc văn phòng thương mại, khách sạn 5 sao cũng tạm dừng.
Một doanh nghiệp khác là Tân Hoàng Minh cũng từng tham gia vào thị trường bất động sản TPHCM với việc đấu giá hàng loạt khu “đất vàng” vị trí đắc địa.
Doanh nghiệp của ông Đỗ Anh Dũng từng trúng đấu giá khu đất diện tích 3.000m2 tại số 23 Lê Duẩn, quận 1 hay lô đất 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, “đất vàng” 23 Lê Duẩn nay đã về tay Techcombank còn lô đất Thủ Thiêm (được trả giá cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm) thì đã bỏ cọc.
Một dự án khác của Tân Hoàng Minh là tòa cao ốc văn phòng số 43-45-47 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM (tên thương mại D’. Saint Raffles) gần đây cũng có dấu hiệu đổi chủ. Trên nóc tòa nhà lộ diện logo của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) do ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) làm Chủ tịch HĐQT.
Thực tế cho thấy từng nhiều lần gây xôn xao dư luận nhưng Tân Hoàng Minh chưa thể có một dự án hoàn chỉnh tại TPHCM.
Hà Đô ngoài làm các dự án bất động sản cũng có 2 văn phòng cho thuê tại quận Tân Bình. Tuy nhiên mới đây, công ty thông báo chấm dứt hoạt động chi nhánh miền Nam tại số 60 đường Trường Sơn, quận Tân Bình, TPHCM. Lý do được công ty đưa ra do kế hoạch kinh doanh thay đổi, cần tổ chức lại doanh nghiệp. Như vậy, công ty còn 1 chi nhánh hoạt động tại quận Tân Bình.
Tin tức thị trường bất động sản, nhà đất, dự án mới
- Để có căn hot, giá tốt
- Giá chính xác từ chủ đầu tư cho từng căn
- Được tư vấn lựa chọn các gói vay có lãi suất thấp nhất, thời gian vay dài nhất
- Cập nhật chính sách và tiến độ dự án
- Bản vẽ mặt bằng căn hộ
- Hợp đồng mẫu của chủ đầu tư
- ... và nhiều tài liệu hữu ích khác